Đại biểu HĐND ở đâu khi xảy ra các vụ việc sai phạm ở cơ sở?

Bài 3: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”

- Thứ Tư, 22/06/2022, 05:28 - Chia sẻ

Quy định của Hiến pháp, pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì lớn nhưng những quy định để bảo đảm quyền, nhiệm vụ, vị trí được tôn trọng và thực thi vẫn chưa được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức còn bất hợp lý. Hoạt động giám sát của HĐND còn thiếu độc lập ở nhiều khâu, nhất là trong việc ra thông báo kết luận và nghị quyết giám sát. Có những nội dung sai phạm đoàn giám sát chỉ ra nhưng qua làm việc buộc phải đưa ra, bởi “Áo mặc sao qua khỏi đầu”. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới có những sai phạm các đoàn giám sát (có thể biết) nhưng không dám kiến nghị, chỉ đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc mới phát hiện ra.

Bài 3: “Áo mặc sao qua khỏi đầu” -0
Ngoài sự tín nhiệm của cử tri thì một vị trí chính trị tương xứng là điều kiện cần thiết để đại biểu HĐND phát huy tốt vai trò, trọng trách của mình. Ảnh: Bình Nguyên

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND” (Điều 113). Đó chính là nền tảng pháp lý quan trọng nâng cao vai trò, vị thế cho hoạt động của đại biểu dân cử và cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị.

Hiến pháp cũng khẳng định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND trước Nhân dân và cử tri. Những quy định của đạo luật gốc tiếp tục được Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND khẳng định trong từng điều khoản cụ thể. Tuy nhiên, để trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và các đại biểu dân cử được phát huy trên thực tiễn thì vẫn đang còn nhiều bất cập, rào cản cần sớm được tháo gỡ.

Vị trí chính trị chưa tương xứng

Trước hết, hệ thống các quy định về tổ chức, hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát chuyên đề nói riêng còn những vướng mắc, bất cập. Mặc dù tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã được tăng lên qua các kỳ bầu cử nhưng trên thực tế, cơ cấu đại biểu dân cử vẫn nghiêng về kiêm nhiệm - chủ yếu là đại biểu cơ cấu trong cấp ủy, trong khối cơ quan chấp hành. Đặc biệt, đại biểu chuyên trách giữ vị trí trong cấp ủy còn khá khiêm tốn. 

Thống kê năm 2021 của Ban Công tác đại biểu (tính đến ngày 20.12.2021) cho thấy: Trong số 63 Chủ tịch HĐND tỉnh, có 26 người là Ủy viên Trung ương Đảng, 22 Bí thư, 34 Phó Bí thư, 7 Ủy viên Thường vụ, 3 Cấp ủy viên. Trong số 114 Phó Chủ tịch HĐND, có 1 Ủy viên Trung ương Đảng, 56 Ủy viên Thường vụ, 58 Cấp ủy viên. Như vậy, số lượng cấp ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh chuyên trách vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi cơ quan được giám sát, cơ quan chấp hành lại giữ vị trí cấp ủy cao hơn (Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy), lẽ dĩ nhiên sẽ rất khó khăn nếu như Chủ tịch HĐND không được cơ cấu là Bí thư cấp ủy cùng cấp.

Vị trí chính trị của các đại biểu chuyên trách các ban của HĐND cũng còn chưa tương xứng so với cán bộ lãnh đạo trong cơ quan chấp hành. Theo thống kê cơ cấu ban của HĐND cấp tỉnh năm 2021 của Ban Công tác đại biểu (tính đến ngày 20.12.2021), điểm nhấn đáng mừng là hầu hết Trưởng các ban của HĐND đã được bố trí hoạt động chuyên trách. (Ban Kinh tế - Ngân sách là 51/63; Ban Pháp chế 43/63; Ban Văn hóa - Xã hội là 49/63; Ban Dân tộc là 24/33; Ban Đô thị là 5/5). Việc bố trí phần lớn Trưởng các ban của HĐND hoạt động chuyên trách tạo điều kiện để chuyên tâm với hoạt động của các ban - “công xưởng” của HĐND.

Tuy nhiên, hầu hết Trưởng các ban của HĐND không có vị trí trong cấp ủy, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động giám sát. Theo thống kê, chỉ có HĐND thành phố Hải Phòng bố trí cả 4 Trưởng ban chuyên trách đều là cấp ủy viên; HĐND thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hà Giang có ¾ Trưởng Ban chuyên trách là cấp ủy viên; HĐND tỉnh Khánh Hòa 2; các tỉnh Kon Tum, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, An Giang, HĐND bố trí 1 Trưởng ban chuyên trách tham gia cấp ủy.

Đối với HĐND cấp huyện và xã, việc cơ cấu đại biểu HĐND chuyên trách tham gia trong cấp ủy tương xứng cũng chưa thỏa đáng, nhất là ở các ban của HĐND. Ở cấp huyện, hầu hết Trưởng hoặc Phó Trưởng ban chuyên trách không cơ cấu cấp ủy cùng cấp.

Từ chỗ ít có chỗ đứng trong cấp ủy dẫn đến thực tế có tình trạng xem nhẹ” vai trò của cơ quan dân cử, nếu như không nói là không tôn trọng, nhất là trong hoạt động giám sát. Vụ việc đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hồ Chí Minh phải hủy buổi giám sát về thực hiện chính sách hỗ trợ Covid-19 mới đây là một ví dụ điển hình cho việc cơ quan, cá nhân được giám sát thiếu sự tôn trọng đối với cơ quan đại diện cho dân, một phần quan trọng phải chăng cũng từ nguyên nhân này mà ra?.

“Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”

Cơm áo gạo tiền ở đó (UBND), nhất là ở cấp xã khi chủ tài khoản còn là Chủ tịch UBND thì thử hỏi HĐND phát huy vai trò, vị trí thế nào? Cho dù có phát hiện ra sai phạm thì cũng đóng cửa bảo nhau”, nếu không sẽ bị nhắc nhở và nặng hơn nữa sẽ bị xem là trại gây”, dần dà sẽ bị dọn dẹp” hoặc bưng đi chỗ khác” nếu hay soi” đối với đại biểu chuyên trách hay chất vấn, thẳng thắn, đi đến cùng vấn đề... Cơ cấu cán bộ như hiện nay thực sự rất khó cho cơ quan dân cử, bởi còn lệ thuộc cơ quan chấp hành, đó là chưa kể những vấn đề nhạy cảm”, từ quyết định chuyên đề giám sát, kết luận giám sát nếu bị tuýt còi”, nhắc nhở thì cũng rất khó. Tóm lại, chừng nào chưa có vị trí chính trị tương xứng và độc lập trong hoạt động thì cơ quan dân cử rất khó phát huy được vai trò, quyền hạn như Hiến pháp và luật trao cho” - Phó Chủ tịch HĐND cấp xã ở Hà Tĩnh Phan Đình Thắng nhận định.

Sự ràng buộc về vị trí chính trị, lệ thuộc về tài chính, chưa kể có những địa phương cấp ủy đang có biểu hiện bao biện, làm thay, can thiệp sâu vào các nội dung hoạt động của cơ quan dân cử thì rất khó để cơ quan dân cử hoạt động đúng tinh thần luật định được. Đơn cử như các nội dung trình ra kỳ họp HĐND phải qua Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Cũng có những địa phương HĐND vẫn tự quyết theo luật định và chính kiến đại biểu nhưng chưa nhiều. Về nội dung giám sát, có những vấn đề qua giám sát phát hiện ra nhưng nếu công khai sẽ ảnh hưởng đến chung nên được chỉ đạo ém gọn” kẻo ảnh hưởng, không vạch áo cho người xem lưng”, đóng cửa bảo nhau. Thế nên mới có tình trạng có những vụ, việc cơ quan dân cử phát hiện ra nhưng vẫn bị chìm xuồng”, rơi vào im lặng nếu như báo chí không phát giác.

Cứ nhìn vào lĩnh vực sai phạm và ai có cơ hội sai phạm thì sẽ hiểu ngay vấn đề vì sao cơ quan dân cử chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong giám sát. Lĩnh vực sai thường là tài chính - ngân sách, đầu tư công, đất đai. Còn người sai phạm thường là người có quyền quyết định, người đứng đầu. Thực tế có những vùng cấm” mà cơ quan dân cử, đại biểu dân cử không thể vào được, nếu vào chưa chắc đã... ra được. Có những đại biểu tâm huyết, trách nhiệm nhưng nếu lỡ dấn thân sẽ gặp phải những bất lợi. Nhẹ thì luân chuyển, nhắc nhở, nặng thì trù dập” - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND một huyện khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chia sẻ.

Áo mặc sao qua khỏi đầu” là câu tục ngữ ngụ ý muốn yên ổn thì tốt nhất con cái” nên ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ”, đại biểu dân cử nên chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo. HĐND đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự lãnh đạo đó phải bảo đảm cho HĐND hoạt động tốt hơn, đúng với vị trí, vai trò đã được hiến định lâu nay. Song rất tiếc, vẫn còn nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy vẫn chưa tròn vai và thuộc bài”, chưa phân định rõ phương thức lãnh đạo, thực hiện không nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cấp mình đối với HĐND hoặc xây dựng quy chế làm việc ôm đồm, không chú ý các quy định của pháp luật đối với chức năng, nhiệm vụ của HĐND... dẫn đến bao biện, can thiệp không đúng vào các hoạt động của HĐND, một thiết chế do chính Nhân dân ở đó bầu ra. Vì vậy, để thực sự phát huy được vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, ngoài vị trí chính trị tương xứng thì độc lập trong hoạt động chính là chìa khóa”.

PHƯƠNG NGUYÊN - BÌNH NGUYÊN